Thứ Năm, tháng 7 03, 2025

                                             HƯỚNG DẪN LÀM VĂN – NGỮ VĂN 10
                                                Giáo viên: Cao Thị Kiều oanh
                                        BÀI 1. VIẾT VĂN BẢN NGHỊ LUẬN PHÂN TÍCH,
                                                    ĐÁNH GIÁ MỘT TÁC PHẨM TRUYỆN

1. Mục tiêu cần đạt:

  • Kiến thức:
  • Nắm vững khái niệm, đặc điểm của văn bản nghị luận phân tích, đánh giá một tác phẩm truyện.
  • Hiểu rõ các yếu tố cần phân tích, đánh giá trong một tác phẩm truyện (cốt truyện, nhân vật, bối cảnh, chủ đề, nghệ thuật kể chuyện...).
  • Kĩ năng:
  • Phân tích được các yếu tố nghệ thuật và nội dung của một tác phẩm truyện.
  • Đánh giá được giá trị tư tưởng, nghệ thuật của tác phẩm.
  • Viết được văn bản nghị luận có bố cục rõ ràng, lập luận chặt chẽ, dẫn chứng xác đáng.
  • Sử dụng ngôn ngữ phù hợp, mạch lạc.
  • Thái độ:
  • Có hứng thú với việc đọc và khám phá giá trị của các tác phẩm truyện.
  • Rèn luyện tư duy phản biện và khả năng trình bày quan điểm cá nhân một cách thuyết phục.
2. Khái niệm, yêu cầu thể loại, dạng bài:
  • Định nghĩa: Văn bản nghị luận phân tích, đánh giá một tác phẩm truyện là bài viết trình bày những nhận định, đánh giá về các khía cạnh nội dung và nghệ thuật của một tác phẩm truyện cụ thể, trên cơ sở phân tích, lí giải và đưa ra dẫn chứng thuyết phục.
  • Đặc điểm thể loại:
  • Đối tượng: Một tác phẩm truyện cụ thể (truyện ngắn, tiểu thuyết, truyện vừa...).
  • Mục đích: Thuyết phục người đọc về những đánh giá, nhận định của người viết về tác phẩm.
  • Lập luận: Dựa trên các yếu tố cấu thành tác phẩm (cốt truyện, nhân vật, chi tiết, ngôn ngữ, thể loại...) để làm rõ ý nghĩa và giá trị.
  • Tính khách quan và chủ quan: Dù mang tính cá nhân, nhưng đánh giá cần có cơ sở lí luận và dẫn chứng từ tác phẩm.
  • Yêu cầu về nội dung:
  • Nêu rõ tên tác phẩm, tác giả.
  • Trình bày khái quát về tác phẩm (hoàn cảnh ra đời, vị trí...).
  • Phân tích sâu sắc các yếu tố nội dung (chủ đề, tư tưởng, thông điệp, ý nghĩa...) và nghệ thuật (nghệ thuật xây dựng nhân vật, cốt truyện, không gian, thời gian, ngôn ngữ, giọng điệu, cách kể chuyện...).
  • Đánh giá giá trị của tác phẩm (giá trị hiện thực, nhân đạo, nghệ thuật...).
  • Yêu cầu về hình thức:
  • Bố cục 3 phần rõ ràng: Mở bài, Thân bài, Kết bài.
  • Luận điểm rõ ràng, lí lẽ sắc bén, dẫn chứng cụ thể, chính xác.
  • Ngôn ngữ học thuật, trong sáng, mạch lạc, có tính biểu cảm.
3. Các bước làm bài chi tiết:

Thứ Sáu, tháng 6 27, 2025

 SOẠN BÀI NGỮ VĂN 7

 BÀI 1: BẦU TRỜI TUỔI THƠ

Tri thức ngữ văn lớp 7 trang 10 Tập 1

1. Đề tài và chi tiết 

- Đề tài là phạm vi đời sống được phản ánh, thể hiện trực tiếp trong tác phẩm văn học. Để xác định và gọi được tên đề tài, có thể dựa vào phạm vi hiện thực được miêu tả (đề tài lịch sử, đề tài chiến tranh, đề tài gia đình, ...) hoặc loại nhân vật được đặt ở vị trí trung tâm của tác phẩm (đề tài trẻ em, đề tài người nông dân, đề tài người lính, ...). Một tác phẩm có thể đề cập nhiều đề tài, trong đó có một đề tài chính. 

- Chi tiết là yếu tố nhỏ nhất tạo nên thế giới hình tượng thiên nhiên, con người, sự kiện,...) nhưng có tầm quan trọng đặc biệt trong việc đem lại sự sinh động, lôi cuốn cho tác phẩm văn học.

2. Tính cách nhân vật

- Tính cách nhân vật là những đặc điểm riêng tương đối ổn định của nhân vật, được bộc lộ qua mọi hành động, cách ứng xử, cảm xúc, suy nghĩ, …

- Tính cách nhân vật còn được thể hiện qua các mối quan hệ, qua lời kể và suy nghĩ của nhân vật khác.

3. Văn bản tóm tắt

- Văn bản tóm tắt là một dạng rút gọn của văn bản gốc (có thể do tác giả hay người đọc, người ghi chép thực hiện), tuy có dung lượng nhỏ nhưng vẫn phản ánh trung thành nội dung cơ bản của văn bản gốc.

4. Mở rộng thành phần chính và trạng ngữ của câu bằng cụm từ

- Mở rộng thành phần chính và trạng ngữ bằng cụm từ có thể giúp câu cung cấp được nhiều thông tin hơn cho người đọc, người nghe. Các thành phần chính và trang ngữ của câu thường được mở rộng bằng cụm từ chính phụ như cụm danh từ, cụm động từ, cụm tính từ.

****************************************

 BÀI SOẠN NGỮ VĂN 6 - SÁCH CTST

BÀI MỞ ĐẦU: HÒA NHẬP VÀO MÔI TRƯỜNG MỚI

Chia sẻ cảm nghĩ về môi trường trung học cơ sở

 Để chuẩn bị tâm thế cho năm học mới, em và các bạn hãy dành một khoảng thời gian chia sẻ những suy nghĩ, cảm xúc của bản thân khi bước vào môi trường Trung học cơ sở.

 Em và các bạn cùng thực hiện các bước sau:

Bước 1: Viết cảm nghĩ của em về môi trường học tập mới

Câu hỏi

Ý kiến của em

Em có cảm xúc gì khi bước vào trường Trung học cơ sở?

- Em cảm thấy còn nhiều bỡ ngỡ vì trường mới, lớp mới, bạn bè và nhiều môn học mới. - Em cũng cảm thấy có buồn khi không còn được học cùng những người bạn cũ thân thiết từ tiểu học.

Điều gì là thuận lợi với em trong môi trường mới?

-Trong môi trường lớp 6 mới, điều thuận lợi với em là em được học cùng cô giáo chủ nhiệm rất hiền và ân cần quan tâm chúng em.

- Hơn nữa, bạn bè cùng lớp em cũng rất vui vẻ, thân thiện.

Điều gì là thử thách với em trong môi trường mới?

- Lớp 6 có nhiều môn học mới, mỗi môn học là một thầy giáo hoặc cô giáo khác nhau nên chúng em chưa quen cách học.

- Mỗi ngày chúng em đều phải học rất nhiều môn học nên có nhiều bài tập về nhà hơn khi ở Tiểu học.

Bước 2: Chia sẻ ý kiến với các bạn

Em chia sẻ ý tưởng theo nhóm đôi và sau đó là với nhóm lớn hoặc trước tập thể lớp.

*******************************

Khám phá một chặng hành trình

Câu 1. Cuốn sách Ngữ văn 6 gồm mười chủ điểm chia làm ba mạch kết nối chính: kết nối em với thiên nhiên, kết nối em với cộng đồng, kết nối em với chính mình. Có thể xác định các chủ điểm thuộc mạch kết nối:

    + Kết nối em với thiên nhiên: Trò chuyện cùng thiên nhiên, Mẹ Thiên nhiên, Vẻ đẹp quê hương.

    + Kết nối em với cộng đồng: Lắng nghe lịch sử nước mình, Miền cổ tích, Gia đình thương yêu, Những góc nhìn cuộc sống.

    + Kết nối em với chính mình: Những trải nghiệm trong đời, Nuôi dưỡng tâm hồn, Điểm tựa tinh thần.

Câu 2. Trong các phương pháp học tập môn Ngữ văn được trình bày ở trên, em hứng thứ với phương pháp tạo nhóm thảo luận môn học vì chúng em có thể cùng lập nhóm để chia sẻ về bài học, chia sẻ những tài liệu sưu tầm được về tác giả, những video, clip, bài hát hay cảm nhận về tác phẩm. Qua đó chúng em có thể trau dồi thêm nhiều kiến thức, cùng giúp nhau tiến bộ và có thể tìm thêm được những người bạn có cùng niềm yêu thích môn Ngữ văn.

***************************************

 

Lập kế hoạch câu lạc bộ đọc sách

 Trong chương trình Ngữ Văn, có 2 hướng tổ chức câu lạc bộ đọc sách: một là các em học sinh thích sách tự lập thành 2 nhóm, hai là các thầy cô tổ chức câu lạc bộ đọc sách.

 Các em lập kế hoạch cho hoạt động của câu lạc bộ đọc sách theo các mẫu trong SGK

 

********************************************

Thứ Năm, tháng 6 26, 2025

 NGỮ VĂN 6 - KẾT NỐI TRI THỨC VỚI CUỘC SỐNG.

BÀI 1: TÔI VÀ CÁC BẠN

Tri thức Ngữ văn Bài 1

1. Truyện và truyện đồng thoại

- Truyện là loại tác phẩm văn học kể lại một câu chuyện, có cốt truyện, nhân vật, không gian, thời gian, hoàn cảnh diễn ra các sự việc.

- Truyện đồng thoại là truyện viết cho trẻ em, có nhân vật thường là loài vật hoặc đồ vật được nhân cách hoá (vừa mang những đặc tính vốn có của loài vật hoặc đồ vật vừa mang đặc điểm của con người). 

2. Cốt truyện

- Cốt truyện là yếu tố quan trọng của truyện kể, gồm các sự kiện chính được sắp xếp theo một trật tự nhất định. 

3. Nhân vật

- Nhân vật là đối tượng (thần tiên, ma quỷ, con vật, đồ vật,…) có hình dáng, cử chỉ, hành động, ngôn ngữ, cảm xúc, suy nghĩ,… được nhà văn khắc hoạ trong tác phẩm. 

4. Người kể chuyện

- Người kể chuyện là nhân vật do nhà văn tạo ra để kể lại câu chuyện, có thể trực tiếp xuất hiện trong tác phẩm (ngôi thứ nhất), cũng có thể “giấu mình” (ngôi thứ ba. 

5. Lời người kể chuyện và lời nhân vật

- Lời người kể chuyện: đảm nhận việc thuật lại các sự việc trong câu chuyện. 

- Lời nhân vật: là lời nói trực tiếp của nhân vật (đối thoại, độc thoại). 

6. Từ đơn và từ phức

- Từ đơn là từ chỉ có một tiếng.

- Từ phức là từ có hai tiếng trở lên. 

+ Từ ghép: Giữa các tiếng có quan hệ về nghĩa.

+ Từ láy: Giữa các tiếng có quan hệ về âm (lặp lại âm đầu, vần hoặc cả hai).

********************************************

 VÙNG TRỜI QUÊ HƯƠNG NÀO CŨNG LÀ BẦU TRỜI TỔ QUỐC

          Mỗi người trong chúng ta, khi ngước nhìn lên bầu trời quê hương, đều cảm thấy một niềm thân thuộc lặng thầm. Trời quê có thể xanh trong như miền Trung gió Lào, có thể mờ sương như miền cao nguyên, có thể mưa dầm như phương Nam tháng Bảy. Nhưng bất kể sắc trời ấy là gì, đó vẫn là một phần của bầu trời Tổ quốc – nơi ôm ấp mọi vùng đất, chở che mọi phận người và là biểu tượng của sự thống nhất trong đa dạng. Vì thế, trong hành trình nhận thức và yêu thương đất nước, chúng ta cần khắc ghi một chân lý giản dị mà thiêng liêng: vùng trời quê hương nào cũng là bầu trời Tổ quốc.
          Tổ quốc, không chỉ là khái niệm địa lý được xác lập bằng đường biên giới hay những con sông, dãy núi mà còn là không gian văn hóa, là ký ức lịch sử, là tiếng nói chung và tương lai chung của mọi con dân đất Việt. Mỗi vùng quê, dù đồng bằng hay miền núi, dù thị thành hay hải đảo, đều mang trong mình một phần hồn cốt của đất nước. Có thể bầu trời miền Tây Nam Bộ phản chiếu trên sông nước mênh mang, còn bầu trời miền Trung trải dài trên cát trắng bỏng rát chân trần. Nhưng tất cả những vùng trời ấy, dù rất riêng, đều hòa chung trong một mái nhà chung. Đó là Tổ quốc Việt Nam.
          Có những khi con người chỉ nhận ra giá trị thiêng liêng của điều gì đó khi buộc phải rời xa nó. Trong những năm tháng bôn ba tìm đường cứu nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra đi mang theo khát vọng giải phóng dân tộc. Nhà thơ Chế Lan Viên từng khắc họa tâm trạng ấy trong bài thơ Người đi tìm hình của nước bằng câu thơ da diết khi Bác lênh đênh trên con tàu đi tìm hình hài Tổ quốc:
                                       “Đêm xa nước đầu tiên, ai nỡ ngủ
                                      Sóng vỗ dưới thân tàu đâu phải sóng quê hương
                                      Trời từ đây chẳng xanh màu xứ sở
                                      Xa nước rồi, càng hiểu nước đau thương.”
Bầu trời ở Paris, London hay Hồng Kông tuy vẫn cao rộng, nhưng chẳng thể nào “xanh” như bầu trời quê nhà vì đó không phải là bầu trời của một dân tộc đang bị áp bức, một đất nước đang rên xiết trong xiềng xích thực dân. Chỉ khi xa rời nơi chôn nhau cắt rốn, người ta mới thấm thía hết tình yêu Tổ quốc,  một tình yêu không ồn ào, nhưng sâu sắc như mạch nước ngầm xuyên qua mọi thời gian.
          Hôm nay, đất nước đang chuyển mình mạnh mẽ. Những vùng trời quê hương, đất nước đã khoác lên mình màu áo mới. Từ bản làng nơi lưng chừng núi đến những nơi hải đảo xa xôi, đâu đâu cũng có ánh sáng đèn điện, tiếng học sinh đọc bài và bước chân người trẻ trở về dựng xây. Những cây cầu bắc ngang sông rộng, những con đường nối liền các tỉnh thành. Đây không chỉ là sự kết nối vật lý, mà còn là sự xóa nhòa mọi ranh giới vùng miền. Tổ quốc không phân biệt miền xuôi – miền ngược, đồng bằng – miền núi. Vùng trời nào cũng đáng được trân quý, được chăm lo và yêu thương.
          Chúng ta cũng không thể quên những con người đang âm thầm sống và cống hiến dưới mọi vùng trời Tổ quốc: các chiến sĩ hải quân canh giữ biển khơi; các giáo viên “cắm bản” nơi heo hút; những y bác sĩ vượt dốc cao, băng rừng cứu người. Họ sống không chỉ vì nơi mình sinh ra, mà vì một niềm tin giản dị: nơi nào có hình bóng đồng bào, nơi ấy là một phần Tổ quốc thiêng liêng.
          Thế hệ trẻ hôm nay, những người mang trên vai trách nhiệm dựng xây tương lai cần khắc ghi tư tưởng ấy. Lòng yêu nước không thể chỉ bó hẹp trong biên giới quê nhà, càng không thể mang tâm lý phân biệt trung tâm, ngoại vi. Khi biết yêu những vùng đất mình chưa từng đặt chân tới, biết trân quý từng sắc trời trên bản đồ Tổ quốc ấy là khi trái tim ta đã mở rộng để ôm trọn một dải non sông.
          Bầu trời mỗi vùng quê có thể mang sắc xanh riêng nhưng tất cả đều hòa chung trong bầu trời rộng lớn của dân tộc. Khi biết nhìn mọi vùng trời bằng ánh mắt yêu thương và trân trọng, chúng ta mới thực sự sống trọn vẹn với nghĩa “đồng bào” cùng chung một bọc, một trời, một nước và chúng ta sẽ thấy hiện lên niềm tin bất diệt: Vùng trời quê hương nào cũng là bầu trời Tổ quốc.(CTKO)
 
 

Thứ Tư, tháng 6 25, 2025

 NGỮ VĂN 12

LÒNG YÊU NƯỚC VÀ NIỀM TỰ HÀO DÂN TỘC CỦA THẾ HỆ TRẺ

            Có một ngọn lửa âm ỉ nhưng không bao giờ tắt trong trái tim mỗi con người Việt Nam. Đó là lòng yêu nước và niềm tự hào dân tộc. Ngọn lửa ấy đã từng cháy rực rỡ trong khói lửa chiến tranh và hôm nay, khi đất nước bước vào kỷ nguyên hội nhập, nó tiếp tục cháy trong bước chân và khát vọng của thế hệ trẻ, những người đang nắm giữ vận mệnh tương lai của Tổ quốc.

            Lòng yêu nước là tình cảm thiêng liêng dành cho quê hương, tổ quốc, nơi ta được sinh ra, lớn lên và hình thành nhân cách. Niềm tự hào dân tộc là sự kiêu hãnh chính đáng về truyền thống lịch sử hào hùng, về văn hóa độc đáo, về tinh thần bất khuất và khát vọng vươn lên không ngừng của dân tộc Việt Nam. Hai phẩm chất ấy kết tinh trong máu thịt mỗi người, và ở người trẻ, chúng cần được thắp sáng bằng những hành động cụ thể và thiết thực.

            Trong thời bình, yêu nước không chỉ là lý tưởng, mà còn là trách nhiệm sống, là hành động cụ thể của từng cá nhân. Đó là sự nỗ lực học tập không ngừng của những học sinh, sinh viên Việt Nam mang chuông đi đánh xứ người như Nguyễn Việt Hùng – cậu học sinh giành Huy chương Vàng Olympic Vật lý quốc tế hay những sinh viên Đại học Bách khoa chế tạo xe điện, rô-bốt, vươn tầm quốc tế. Đó là những người trẻ khởi nghiệp sáng tạo, góp phần phát triển nền kinh tế tri thức như Nguyễn Hà Đông – cha đẻ của trò chơi Flappy Bird từng gây sốt toàn cầu, khiến cả thế giới biết đến tài năng người Việt.

Lòng yêu nước còn hiện diện nơi những người trẻ dấn thân vì cộng đồng: những tình nguyện viên Mùa hè xanh băng rừng, vượt suối để gieo chữ nơi vùng cao; những bạn trẻ cứu trợ đồng bào miền Trung lũ lụt; hay trong đại dịch Covid-19, biết bao y bác sĩ trẻ đã xung phong vào tuyến đầu chống dịch. Họ âm thầm cống hiến, nhưng chính họ là hình ảnh đẹp nhất về một thế hệ yêu nước trong thời đại mới.

            Tuy nhiên, vẫn còn đó không ít bạn trẻ thiếu ý thức về trách nhiệm công dân, sống buông thả, chạy theo lối sống ảo, thờ ơ với vận mệnh quốc gia. Đó là biểu hiện của sự phai nhạt lòng yêu nước, điều mà mỗi gia đình, nhà trường, xã hội cần quan tâm giáo dục, điều chỉnh từ sớm.

            Bởi yêu nước không phải là thứ gì xa vời. Nó bắt đầu từ việc sống tử tế, có trách nhiệm với bản thân, gia đình và cộng đồng. Tự hào dân tộc không chỉ là nói về những điều đã qua, mà là sống sao cho xứng đáng với tổ tiên hôm qua và góp phần làm rạng danh đất nước hôm nay. Tuổi trẻ không chỉ cần sống mà cần sống xứng đáng với màu cờ đỏ thắm cha ông đã nhuộm bằng máu.(CTKO)

 

 NGỮ VĂN 12

TRÁCH NHIỆM CỦA THẾ HỆ TRẺ

TRONG KỶ NGUYÊN VƯƠN MÌNH CỦA ĐẤT NƯỚC

            Trong dòng chảy hối hả của thời đại, khi đất nước đang chuyển mình mạnh mẽ bước vào kỷ nguyên mới: kỷ nguyên hội nhập, đổi mới, trí tuệ và khát vọng vươn tầm thế giới thì thế hệ trẻ chính là lực lượng tiên phong, là người giữ lửa cho tương lai dân tộc. Trách nhiệm đặt trên vai tuổi trẻ chưa bao giờ lớn lao và thiêng liêng đến thế.

            Trách nhiệm của thế hệ trẻ không chỉ là bổn phận phải có, mà còn là sứ mệnh phải gánh vác. Đó là trách nhiệm học tập, rèn luyện, phát triển bản thân để có đủ tri thức, đạo đức, bản lĩnh trong một xã hội đang thay đổi từng ngày. Đó là trách nhiệm dấn thân, sáng tạo, góp phần giải quyết những vấn đề của đất nước: kinh tế, môi trường, giáo dục, công nghệ. Và hơn hết, đó là trách nhiệm gìn giữ bản sắc, văn hóa dân tộc trong thời đại toàn cầu hóa, nơi mọi giá trị truyền thống đang bị thử thách bởi dòng chảy hiện đại.

            Trong thời bình, người trẻ không còn phải cầm súng bảo vệ biên cương nhưng trách nhiệm với Tổ quốc chưa bao giờ vơi đi. Trách nhiệm ấy hiện diện trong từng hành động nhỏ: học tập chăm chỉ, lao động trung thực, sống có lý tưởng, ứng xử có văn hóa. Người trẻ cần hiểu: yêu nước không chỉ là những lời hô hào suông mà là mỗi ngày sống sao cho xứng đáng với thế hệ đi trước và không phụ niềm tin của thế hệ đi sau.

            Thực tế cho thấy có không ít tấm gương tuổi trẻ Việt Nam đang ngày đêm cống hiến: những sinh viên xuất sắc trong nghiên cứu khoa học, những kỹ sư trẻ sáng chế công nghệ mới, những tình nguyện viên vượt núi băng rừng gieo chữ cho trẻ em vùng cao. Họ đang âm thầm góp những viên gạch vững chắc để xây nên tòa nhà vững bền của Tổ quốc.

            Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn không ít người trẻ sống buông thả, thiếu lý tưởng, chạy theo lối sống thực dụng, vô cảm với vận mệnh đất nước. Điều đó không chỉ là sự lãng phí tuổi trẻ mà còn là nguy cơ trì trệ, thụt lùi của cả một dân tộc.

            Bởi vậy, mỗi người trẻ hôm nay cần tự hỏi: “Mình sẽ góp gì cho đất nước ngày mai?”. Chỉ khi tuổi trẻ sống có trách nhiệm, đất nước mới vươn xa, dân tộc mới bước lên những đài vinh quang xứng đáng. Hãy sống như những cánh buồm no gió giữa biển lớn dẫu gió ngược, vẫn hiên ngang vươn tới chân trời.(CTKO)

 


 NGỮ VĂN 12

Đoạn văn

        Từ nội dung đoạn trích ở phần Đọc hiểu, anh/chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của mình về nhận định: Vẫn hoài nghi thì vẫn còn thất bại (David J. Schwartz, Dám nghĩ lớn, NXB Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, 2021, tr. 17).

         Con người sống cần phải có niềm tin. David J. Schwartz nói: “Vẫn hoài nghi thì vẫn còn thất bại”. Đây là một nhận định như chiếc kim chỉ nam soi đường cho những ai còn chần chừ trên hành trình vươn đến thành công. Quả thật, trong cuộc sống, niềm tin là nền móng để con người khởi dựng mọi ước mơ và hoài bão. Khi ta không tin mình có thể, ta đã đóng sập cánh cửa cơ hội ngay từ trong ý nghĩ. Hoài nghi là chiếc xiềng vô hình trói chặt khát vọng, làm mờ đi những lối đi mới mẻ. Không ít người trẻ, dù có tài năng và nhiệt huyết, nhưng lại sống trong cái bóng của nỗi sợ thất bại, luôn đặt câu hỏi “Liệu mình có làm được không?” thay vì mạnh mẽ khẳng định “Tôi sẽ làm được!”. Chính thái độ ấy đã khiến họ mãi dậm chân tại chỗ, để rồi tiếc nuối nhìn người khác vượt qua mình. Trái lại, những người thành công không phải lúc nào cũng giỏi nhất nhưng họ tin tưởng mãnh liệt vào khả năng bản thân, dám thử, dám sai và dám sửa. Niềm tin không phải là điều huyền bí, mà là ngọn lửa âm ỉ dẫn đường cho hành động. Vì vậy, muốn thoát khỏi thất bại, trước tiên hãy chiến thắng nỗi nghi ngờ trong chính mình. Hãy tin tưởng và hành động, vì không gì là không thể với một trái tim quả cảm.

 NGỮ VĂN 12
ĐỀ THI THỬ NGỮ VĂN LỚP 12
I. ĐỌC HIỂU (4.0 điểm)
Đọc văn bản sau và trả lời câu hỏi:
Sức mạnh của niềm tin không có gì là ma thuật hay bí ẩn cả. Niềm tin, tức thái độ “Tôi-tin-là-tôi-có-thể”, luôn lan tỏa một sức mạnh, khơi dậy những khả năng tiềm ẩn và tiếp thêm nghị lực cho ta. Khi bạn tin rằng tôi-có-thể-làm-được thì cách-thức-thực-hiện sẽ xuất hiện.
Có không ít bạn trẻ bắt đầu một công việc mới mỗi ngày trên khắp thế giới. Mỗi người đều “mơ ước” một ngày nào đó, mình sẽ vươn đến đỉnh cao của sự nghiệp. Điều đáng tiếc là phần lớn những bạn trẻ này lại chưa tin hẳn vào bản thân mình. Chính nếp nghĩ “tôi-không-thể” đã hạn chế khả năng sáng tạo và khiến họ không tìm ra được con đường thích hợp để vươn lên. Đây là lề thói suy nghĩ thường thấy ở những người “bình thường”.
Tuy nhiên, vẫn có một số ít bạn trẻ dám tin rằng họ sẽ thành công. Họ bắt tay vào công việc bằng một thái độ tích cực: “Tôi đang-vươn-đến-đỉnh-cao đây!”. Và với niềm tin lớn lao ấy, họ đã thành công. Bằng suy nghĩ không-gì-là-không-thể, những người trẻ này quan sát và học hỏi cách làm việc của thế hệ đi trước. Họ tìm hiểu cách tiếp cận vấn đề, cách ra quyết định cũng như thái độ làm việc của những người thành đạt. Thật vậy, bí quyết cần-phải-thực-hiện-như-thế-nào luôn đến với những ai tin rằng mình có thể làm được.
(Trích Dám nghĩ lớn, Ph. D David J. Schawartz, NXB Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, 2021, tr. 12-13)
Câu 1. Chỉ ra các thao tác lập luận được sử dụng trong văn bản.
Câu 2. Theo văn bản, điều đáng tiếc của phần lớn những bạn trẻ trên khắp thế giới là gì?
Câu 3. Anh/chị hiểu như thế nào về những tác động của lề thói suy nghĩ thường thấy ở những người “bình thường” đối với những bạn trẻ?
Câu 4. Những lí lẽ trong đoạn mở đầu được người viết sử dụng nhằm mục đích gì? Anh/chị hãy phân tích tác dụng của thao tác lập luận được sử dụng trong đoạn (1) để chứng minh.
Câu 5. Anh/Chị có suy nghĩ gì về câu văn: Và với niềm tin lớn lao ấy, họ đã thành công? Từ đó hãy trình bày thông điệp mà mình rút ra từ văn bản.
II. VIẾT (6,0 điểm)
Câu 1. (2.0 điểm)
Từ nội dung đoạn trích ở phần Đọc hiểu, anh/chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của mình về nhận định: Vẫn hoài nghi thì vẫn còn thất bại (David J. Schwartz, Dám nghĩ lớn, NXB Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, 2021, tr. 17).
Câu 2. (4.0 điểm)
Trong tác phẩm Tháng Ba - Rét nàng Bân, nhà văn Vũ Bằng viết:
“...Nhưng đến tháng ba thì trời đất quả là kì ảo.
Bảo rằng tháng ấy còn rét, không đúng, mà bảo hết rét rồi cũng không đúng nữa.
Trời trong như ngọc, đất sạch như lau. Ngủ dậy lúc còn tối trời, anh ngồi uống nước trà đợi trời sáng thì uống chưa xong ấm nước, anh bỗng thấy có những đám mây hồng từ phía đông kéo tới giữa một nền trời xanh ngăn ngắt một mầu. Ở đằng sau nhà, chim hót ríu ran, đánh thức những người còn đang thiêm thiếp. Anh mở cửa nhìn ra ngoài thì lá cây sạch bong ra, lóng lánh như ở trong một phim ảnh mầu tuyệt đẹp: sương móc ban đêm rửa hoa lá cỏ cây, rửa cả cát bụi trên các nẻo đường thành phố.
Giẫm một đôi giầy lên trên đất mịn màng, anh cảm thấy cái mát mẻ của đất, của sương vương trên cỏ thấm vào lòng anh y như thể anh đi chân không vậy. Chim vẫn hót ríu ran. Anh nhìn lên trời thì từ những đám mây hồng tỏa ra một thứ ánh sáng trắng như sữa, nhẹ như bông, tràn lan trong không khí và úp chụp lấy các lùm cây nội cỏ. Anh tự nhủ: “Hôm nay chắc nắng to”.  Anh sửa soạn một bộ quần áo mỏng để mặc cho nhẹ nhõm và dễ chịu.
Thì quả nhiên, đến buổi trưa nắng thực, nhưng đi lên lầu ngủ vừa dậy, anh cảm thấy có một cái gì rất lạ xảy ra. Anh nhắm mắt lại, nằm lặng yên nghe ngóng, để xem cái tiếng reo ở ngoài vườn vọng lại là tiếng gì mà đến bất thình lình và xôn xao như vậy. Thì ra đó là tiếng reo của gió, của mây, của cây, của lá: chính trong khi ta đương mộng về Tây Phàn* với mấy cô nàng sơn cước, trời đã chuyển bất ngờ, đương nắng thành râm, và chỉ trong khoảnh khắc, rét của cuối chạp, đầu xuân đã trở về trên cánh gió, giữa một khoảng trời tháng ba nắng ấm.
Cái tháng Ba ở Bắc có những ngày huyền ảo như thế đấy. Nếu là người thích ví von, anh có thể ví tháng ấy với một cô gái có sắc đẹp nghiêng thành nghiêng nước.
Ðẹp đến nghiêng nước nghiêng thành thì có quyền làm nũng như Dương Quý Phi làm nũng vua Ðường Minh Hoàng: không đau răng cũng nhăn mặt cho thêm xinh, mà ví có đau răng thực thì phải ăn trái lệ chi mà quân sĩ phải rong ngựa đi năm sáu ngày trời mới mong kiếm được. Yêu Quý Phi quá, thì Quý Phi càng làm nũng, mà Ðường Minh Hoàng lại càng sủng ái Quý Phi hơn. Thì người Bắc đối với tháng Ba cũng vậy: yêu cái nắng ấm của tháng Ba nhưng cũng yêu cái rét đột ngột của tháng Ba, mà nếu ví dụ trong tháng ấy có ngày nào nắng chói chan làm cho “chó già le lưỡi” thì cũng cứ yêu luôn, yêu không kì quản. Người đẹp mà làm nũng thì lại càng đẹp hơn.
Tôi yêu tháng Ba đất Bắc một phần vì thế và tôi không muốn tin rằng cái rét tháng Ba có thể làm cho “bà già chết cóng”. Tôi chỉ thích nghĩ rằng cái rét đôi khi bất ưng trở về với tháng Ba là một cái rét thơ mộng, cái rét của một trời đầy hương và ngát hoa, trong đó có những chàng trai mặc quần đỏ ngồi bên án sách ngâm thơ [...]
(Thương nhớ mười hai, Vũ Bằng, NXB Văn học, Hà Nội, 2008, tr. 56-58)
Anh/Chị hãy viết bài văn khoảng 600 chữ phân tích sự kết hợp giữa yếu tố tự sự và trữ tình của thể loại tùy bút trong đoạn trích trên.(ST)

HƯỚNG DẪN ĐỌC HIỂU

Phần I. ĐỌC HIỂU 
Câu 1 . Chỉ ra các thao tác lập luận được sử dụng trong văn bản.
Thao tác lập luận bình luận
Thao tác lập luận chứng minh
Thao tác lập luận bác bỏ
Câu 2. Theo văn bản, điều đáng tiếc của phần lớn những bạn trẻ trên khắp thế giới là phần lớn những người trẻ lại chưa tin hẳn vào bản thân mình. Họ nghĩ rằng mình không thể và điều này đã làm hạn chế khả năng sáng tạo; khiến họ không tìm ra con đường thích hợp để vươn lên.
Câu 3. Về những tác động của lề thói suy nghĩ thường thấy ở những người “bình thường” đối với những bạn trẻ, bản thân có suy nghĩ : Khi người trẻ không tin tưởng vào khả năng của bản thân mình, tự ti và đánh giá thấp bản thân thì điều này sẽ dẫn ta đến lối mòn bế tắc và bỏ cuộc từ từ. Từ đó, ta sẽ chẳng thể làm được điều gì đột phá và không thể nào phát triển được bản thân.
Câu 4. Những lí lẽ trong đoạn mở đầu được viết với mục đích dẫn dắt, khẳng định sức mạnh, ý nghĩa và tầm quan trọng của niềm tin đối với cuộc đời và thành công của mỗi người. Đoạn 1 sử dụng thao tác lập luận bình luận có tác dụng khẳng định, đưa ra quan điểm về ý nghĩa, tầm quan trọng của niềm tin vào chính mình để đạt được thành công và tiến về phía trước.
Câu 5. Nêu suy nghĩ của bản thân: Câu văn đã khẳng định ý nghĩa, tầm quan trọng và sức mạnh của niềm tin vào bản thân trong hành trình đạt được thành công ở mỗi người. Thông điệp từ văn bản đó là mỗi người chúng ta cần đặt niềm tin vào bản thân, nuôi dưỡng niềm tin vào bản thân ngày một lớn hơn để có thể đạt được thành công. Nếu không có niềm tin vào bản thân mình thì ta chẳng thể nào đạt được thành công. 
II. VIẾT (6,0 điểm)

 NGỮ VĂN 12

Đề thi thử Ngữ văn lớp 12:
I. ĐỌC HIỂU (4.0 điểm)
HS đọc văn bản sau và trả lời câu hỏi:
NHỮNG NGƯỜI ĐÀN BÀ BÁN NGÔ NƯỚNG
Những người đàn bà bán ngô nướng
Bày số phận mình bên đường
Những nhem nhuốc bên ngoài che dấu
Bao ngọt lành, nóng hổi bên trong
Người đi qua thờ ơ
Hay rẻ rúng cầm lên vứt xuống
Những tờ bạc lẻ đè lên mùi thơm
Người đàn bà bán dần từng mảnh đời mình nuôi con
Tôi ngồi xuống hai bàn tay ấp ủ
Một tuổi thơ lam lũ ruộng bùn
Cắn vào kí ức
Từng hạt ngô rơi
Những kỉ niệm lon ton
Những hạt ngô – những giọt lệ của mẹ
Những mắt tròn xoe đói khát em thơ
Không dám cắn nữa
            áp bắp ngô lên má
Hình như là nồng ráp ổ rơm?
Hình như là bờ vai cha mằn mặn
Che gió mùa, ấp ủ… nửa đêm…
Người bán Ngô thổi hồng bếp lửa
Xoay những mảnh đời dù cháy vẫn còn thơm!
 (Nguyễn Đức Hạnh, trích Khoảng lặng, NXB Đại học Thái Nguyên, 2016, tr.10 – 108)
Thực hiện các yêu cầu:
Câu 1. Từ ngữ nào dùng để chỉ nhân vật trữ tình trong bài thơ trên?
Câu 2. Trong bài thơ, người đi đường và nhân vật trữ tình có thái độ như thế nào đối với những bắp ngô nướng được bày bán trên đường?
Câu 3. Phân tích mối liên hệ giữa hình ảnh “số phận bên đường” ở khổ thứ nhất với hình ảnh “ bán dần từng mảnh đời” ở khổ thứ hai
Câu 4. Nêu tác dụng của biện pháp lặp cấu trúc trong đoạn thơ:
áp bắp ngô lên má
Hình như là nồng ráp ổ rơm?
Hình như là bờ vai cha mằn mặn
Che gió mùa, ấp ủ… nửa đêm…
 Câu 5. Từ suy ngẫm của tác giả Người bán Ngô thổi hồng bếp lửa – Xoay những mảnh đời cháy vẫn còn thơm, anh/chị có suy nghĩ gì về ý nghĩa của việc giữ gìn nhân cách trước những thử thách, cám dỗ của cuộc sống? (trình bày khoảng 5-7 dòng).
II. VIẾT (6,0 điểm)
Câu 1. (2,0 điểm)
Viết đoạn văn nghị luận (khoảng 200 chữ) phân tích mạch cảm xúc của bài thơ Những người đàn bà bán ngô nướng (Nguyễn Đức Hạnh)
Câu 2 (4,0 điểm)
Sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội tạo điều kiện cho mỗi cá nhân được bày tỏ nỗi niềm riêng trước các vấn đề của đời sống, tuy nhiên cũng để lại nhiều hệ lụy
Từ góc nhìn của người trẻ, anh/chị hãy viết một bài văn nghị luận (khoảng 600 chữ) trình bày suy nghĩ về trách nhiệm trong phát ngôn trên mạng xã hội
 
HƯỚNG DẪN LÀM BÀI
Phần I. ĐỌC HIỂU 
Câu 1. Từ ngữ để chỉ nhân vật trữ tình trong bài thơ: “tôi”
Câu 2. Trong bài thơ, người đi đường và nhân vật trữ tình có thái độ khác nhau đối với những bắp ngô nướng được bày bán bên đường:
- Người đi đường: “thờ ơ”, “rẻ rúng cầm lên vứt xuống”
- Nhân vật trữ tình: “ngồi xuống hai bàn tay ấp ủ” → thái độ trân trọng, nâng niu
Câu 3. Hình ảnh “số phận bên đường” ở khổ thơ thứ nhất với hình ảnh “bán dần từng mảnh đời” ở khổ thơ thứ hai đều là những hình ảnh mang tính biểu tượng: Hình ảnh “số phận bên đường” gợi ra những mảnh đời khốn khó trong cuộc sống mưu sinh vất vả, nhọc nhằn. Hình ảnh  “bán dần từng mảnh đời” khắc họa sự hi sinh mỏi mòi qua năm tháng.  Hai hình ảnh thơ bổ sung cho nhau thể hiện được vẻ đẹp của người đàn bà bán ngô hi sinh âm thầm để mang về ấm áp, ngọt ngào cho con cái.
Câu 4. Nêu tác dụng của biện pháp lặp cấu trúc trong đoạn thơ:
áp bắp ngô lên má
Hình như là nồng ráp ổ rơm?
Hình như là bờ vai cha mằn mặn
Che gió mùa, ấp ủ… nửa đêm…
- Biện pháp lặp cấu trúc “hình như là…”
- Tác dụng:
+ Tạo nhịp điệu trầm lắng cho lời thơ
+ Nhấn mạnh những hồi tưởng của nhân vật trữ tình về một tuổi thơ khốn khó, cơ cực “nồng ráp ổ rơm” mà ấm áp nhờ sự hi sinh, chở che của người cha
 Câu 5. Từ suy ngẫm của tác giả Người bán Ngô thổi hồng bếp lửa – Xoay những mảnh đời cháy vẫn còn thơm, anh/chị có suy nghĩ gì về ý nghĩa của việc giữ gìn nhân cách trước những thử thách, cám dỗ của cuộc sống? (trình bày khoảng 5-7 dòng).
Đoạn văn: Từ suy ngẫm của tác giả Người bán Ngô thổi hồng bếp lửa – Xoay những mảnh đời cháy vẫn còn thơm, ta nhận ra rằng việc giữ gìn nhân cách giữa những thử thách, cám dỗ của cuộc sống là vô cùng quan trọng. Khi con người giữ vững đạo đức, phẩm hạnh, dù trong nghèo đói hay khốn khó, họ vẫn giữ được cái “sạch” của tâm hồn như lời cha ông dạy: “Đói cho sạch, rách cho thơm”. Nhân cách chính là ngọn đèn soi sáng lối đi, giúp ta sống tự tin, kiên định, không bị cuốn theo những cám dỗ tầm thường. Người có nhân cách luôn được yêu mến, kính trọng và là nền móng vững chắc cho một xã hội văn minh, giàu tình người. Giữ nhân cách là giữ lấy giá trị sống cốt lõi của mỗi con người.
II. VIẾT (6.0 điểm)

                                                         H ƯỚNG DẪN LÀM VĂN – NGỮ VĂN 10                                                    ...